Tăng cường phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản năm 2024

Thứ ba - 14/05/2024 03:20
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng EL Nino xu hướng nhiệt trong những tháng mùa hè năm 2024 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức cao hơn trung bình một số năm trước; sẽ có nhiều đợt nắng nóng bất thường, gay gắt làm giảm sức đề kháng, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi như bệnh Lở mồm long móng ở gia súc, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh Cúm gia cầm, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò,... Đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Dại ở chó mèo.
Nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày là 37 - 40 0C, có những ngày nắng nóng gay gắt ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất chăn nuôi của người dân. Nhiệt độ nước tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe động vật thủy sản, gây sốc, giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng trao đổi chất, thiếu oxy, dễ mắc các loại bệnh gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi.
Để chủ động các biện pháp phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản UBND xã thông báo để các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lưu ý và thực hiện tốt một số nội dung sau:
          1. Đối với đàn vật nuôi:
- Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm hợp lý và thực hiện các biện pháp chống nắng nóng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi như sau:
+ Chủ động dự trữ đầy đủ thức ăn thô, xanh như: Thức ăn tinh (Ngô, lúa, cám, khoai…), Thức ăn thô, khô : Rơm, rạ, rau, thân lá ngô phơi khô hoặc ủ chua, trồng thêm ngô dày hoặc cỏ để thêm nguồn thức ăn xanh, khoáng, vitamin để cung cấp cho gia súc. Cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.
+ Trong mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể. Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng để tạo độ thông thoáng. Đối với trâu, bò đảm bảo 4-6m2/con, bê nghé khoảng 1-2m2/con, gia cầm khoảng 6-8 con/m2.
+ Kiểm tra hệ thống làm mát trong chuồng, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo. Các hộ chăn nuôi có thể tăng cường hệ thống làm mát đơn giản như che bạt chắn ánh nắng, trang bị quạt, hệ thống giàn phun mưa thủ công để làm mát chuồng trại. Thường xuyên thu gom chất thải, vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường xung quanh.
+ Trong những ngày nắng nóng gay gắt, kéo dài, buổi sáng thả từ 6-9 giờ, buổi chiều thả muộn từ 16-18 giờ, không chăn thả khi ngoài trời nắng gắt, nên nhốt gia súc tại chuồng hoặc chăn thả nơi có cây xanh, bóng mát, không để gia súc làm việc nặng trong điều kiện nắng nóng.
+ Thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, rải vôi bột,  xử lý chất thải chăn nuôi, làm sạch môi trường nuôi, thực hiện tốt theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn để phòng chống các bệnh Viêm da nổi cục và dịch tả lợn Châu Phi….
- Thực hiện nghiêm túc 5 không: Không dấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không giết mổ và ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết hoặc không rõ nguồn gốc; Không vứt xác gia súc, gia cầm, thủy sản ốm chết ra môi trường xung quanh.
2. Đối với nuôi trồng thủy sản:
2.1. Đối với nuôi tôm:
- Có kế hoạch dự trữ nước trong ao chứa, lắng để chủ động cấp nước khi cần thiết. Nước trong ao lắng xử lý bằng thuốc tím (KMnO4) liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, sau 2 ngày chuyển sang ao khác, tiếp tục xử lý bằng Chlorine nồng độ 30ppm, thời gian xử lý là 7-10 ngày trước khi cấp nước vào ao nuôi.
- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ mất nước, Duy trì mực nước trong ao từ 1,3 - 1,8m để ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi. Ngoài ra, nên che lưới đen phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng đến nước ao nuôi từ đó giảm sự biến động nhiệt độ và sự phát triển của tảo.
- Tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10h – 18h để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường oxy hòa tan ở tầng đáy. Quạt nước từ 10h đêm đến 4h sáng để tránh thiếu oxy hòa tan trong nước.
- Hạn chế khí độc trong ao như NH3 , H2S bằng cách ổn định độ pH, định kỳ dùng men vi sinh xử lý đáy ao và xi phông loại thải chất thải ra ngài (chất thải phải được xử lý đảm bảo đúng quy định).
- Quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng. Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo. Hoặc giảm mật độ tảo bằng cách thay 20 – 30% lượng nước trong ao. Lưu ý: trong thời gian diệt tảo nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn của tôm, đồng thời tăng cường quạt khí để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh xử lý đáy để phân hủy xác tảo chết và phục hồi hệ vi khuẩn trong ao.
- Đảm bảo mật độ nuôi vừa phải phù hợp với điều kiện chăm sóc, không quá dày để đảm bảo môi trường nước đủ oxy hòa tan (80-100 con/m2). Cho tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm 30 - 40% lượng thức ăn cho tôm vào những ngày nắng nóng trên 350C. Ngừng cho tôm ăn khi nắng nóng trên 39-400C. Kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và xi phông đáy để loại bỏ nguồn chất hữu cơ. Định kỳ 5-7 ngày/lần bổ sung Vitamin C, khoáng, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
2.2. Đối với nuôi cá nước ngọt:
- Thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao tránh rò rỉ mất nước, cấp nước bổ sung cho ao nuôi, duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,5m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ nước ao nuôi.
- Khi thời tiết nắng nóng cần làm giàn che trên mặt nước (cao hơn mặt nước khoảng 0,7 – 1m) ở phía tây ao bằng lưới đen tản nhiệt, làm dàn: mướp, bầu, bí…. Hoặc có các khung thả bèo cái, bèo hoa dâu khoảng ¼ - 1/3 diện tích ao nuôi làm nơi trú nắng cho cá.
- Trong những ngày nắng nóng giảm lượng thức ăn xuống còn 70 – 80% so với bình thường, đồng thời bổ sung lượng Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3g/kg thức ăn tinh.
- Đối với ao nuôi thâm canh cần bố trí hệ thống sục khí, quạt nước để ổn định hàm lượng oxy và tránh hiện tượng phân tầng nước.
- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng gắt trong ngày.
- Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định độ pH trong ao với hàm lượng 2-3 kg vôi bột/100m3 nước (lượng vôi tùy theo độ pH của nước)
- Trường hợp ao hồ mực nước khô cạn, không đảm bảo đủ lượng nước thì tiến hành thu hoạch nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm. Trường hợp chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì cần chuyển cá đến các ao có mực nước sâu hơn hoặc liên kết với hộ nuôi xung quanh để có nguồn nước đảm bảo lưu giữ cá.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây