Vì sức khỏe của bản thân mình và của cộng đồng, hãy dừng ngay việc sử dụng thuốc diệt cỏ !

Chủ nhật - 07/01/2024 22:43
Thay vì phát cỏ, dọn vệ sinh đồng ruộng, nhiều hộ  dân đã lạm dụng thuốc trừ cỏ để làm sạch ruộng đồng. Tuy tiết kiệm được chút thời gian, công sức, nhưng việc làm này lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, môi sinh và đe dọa đến sức khỏe con người. Một số hộ có diện tích đất nông nghiệp giáp khu dân cư, phun thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, cỏ chết rất nhanh. Loại thuốc này được xem như một “phép màu”, vừa rẻ tiền, vừa nhanh chóng biến những đám cỏ rộng lớn, còn tươi xanh trở nên chết khô chỉ sau một thời gian ngắn. Để tiết kiệm thời gian, công sức, nhiều người nông dân chọn cách phun thuốc diệt cỏ.
“Lợi tức thì, hậu quả lâu dài”. Hậu quả của lạm dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng là làm mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường nặng nề, gây thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là ảnh hưởng sức khỏe con người. Người sử dụng thuốc BVTV là người đầu tiên bị ảnh hưởng. Các độc tính có thể không nguy hiểm ngay mà tích lũy dần dần đến một lúc nào đó sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Nguy hiểm hơn, có nhiều loại thuốc BVTV gây biến đổi di truyền ở nhiều đời như dị tật hay mắc những bệnh hiểm nghèo bẩm sinh.



Theo Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm gồm có:
- Thuốc trừ cỏ 2.4.5 T (Brochtox, Decamine, Veon... dạng bình xịt, dạng khác) thuộc danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam từ 05/11/2019;
- Các thuốc bảo vệ thực vật chứa Chlorpyrifos và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/02/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/02/2021.
Ngày 24/4/2020, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 06/2020/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.
Cụ thể, Bộ quyết định bổ sung vào Điều 2 Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam nội dung sau: “Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021”
Như vậy, từ ngày 09/6/2020 sẽ không được sản xuất, nhập khẩu các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate. Còn từ ngày 30/6/2021, thuốc bảo vệ thực vật chứa Glyphosate sẽ bị cấm buôn bán, sử dụng.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ một cách vô tội vạ, không để người nông dân vì lợi trước mắt mà mạo hiểm sức khỏe con người, vật nuôi, ảnh hưởng đến môi trường, bởi tác hại của thuốc BVTV là lâu dài chứ không chỉ “ngày một, ngày hai”, do vậy phải xử lý nghiêm những người vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cụ thể:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;
b) Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
b) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc tiêu hủy thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 4 Điều này;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây